xử lý rác thải bằng biện pháp sinh học


       Công ty xử lý môi trường Ánh Dương giới thiệu bài viết về xử lý rác thải bằng biện pháp sinh học để các bạn tham khảo: 

        Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố hiện có 3 khu liên hiệp xử lý rác thải là Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Củ Chi), Thủ Thừa (Long An) và Đa Phước (Bình Chánh). Ngoài ra, còn có thêm 2 công trường xử lý rác là Gò Cát và Đông Thạnh nhưng đã ngưng tiếp nhận rác. Điều đáng nói là, công nghệ xử lý rác cho đến nay vẫn chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh.
       Trong thời gian qua, có công ty xử lý rác thải tại TPHCM đã xây dựng nhà máy tái chế rác thải thành phân compost, nhưng do thành phần rác thải chưa được phân loại đạt yêu cầu nên vẫn phải áp dụng phương pháp xử lý thô sơ là chôn lấp. Điều này đã khiến cho quỹ đất dành cho xử lý chôn lấp rác thải ngày càng lớn, hiện đã lên đến hàng trăm hécta và chắc chắn con số này sẽ còn tăng nhiều hơn trong tương lai. Không chỉ vậy, việc chôn lấp rác sẽ làm phát sinh nước rỉ rác. Đây là nguồn nước thải vô cùng độc hại cho môi trường nếu không được xử lý tốt.
       Trên thực tế, việc xử lý nước rỉ rác tại các bãi chôn lấp Đông Thạnh, Gò Cát, Phước Hiệp và Đa Phước của các chủ đầu tư cũng gặp không ít khó khăn. Công nghệ xử lý loại nước ô nhiễm này được áp dụng phổ biến hiện nay là phương pháp hóa ly (keo tụ, hấp phụ, lọc màng), phương pháp hóa học (oxy hóa, trao đổi ion) và phương pháp vi sinh (xử lý vi sinh kỵ khí, hiếm khí).
      Bên cạnh những hệ thống xử lý được đầu tư quy mô công nghiệp, hiện đại, vẫn còn tồn tại những công nghệ chỉ được đầu tư tạm thời nên đã và đang bộc lộ nhiều bất ổn như không đảm bảo ổn định chất lượng nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn yêu cầu. Thậm chí, với những hệ thống xử lý nước thải được đầu tư bài bản, trong trường hợp sự cố như mưa thiên tai, chất lượng nước thải sau xử lý cũng khó đảm bảo đạt tiêu chuẩn cho phép. Hơn nữa, chi phí để xử lý nguồn nước này rất lớn và là gánh nặng cho ngân sách thành phố.

     Kết hợp xử lý sinh học phát huy hiệu quả

     Trước thực tế đó, theo TS Ngô Hoàng Văn, TP nên tận dụng diện tích đất tại bãi chôn lấp để trồng cây có giá trị kinh tế cao như cỏ Vetiver, cỏ voi, cỏ singnal hoặc cây dầu mè. Cách làm này vừa giúp tận dụng được đất của các bãi chôn lấp rác để làm kinh tế, vừa kết hợp tận dụng xử lý nước rỉ rác để làm nguồn nước tưới dinh dưỡng cho cây nên giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.
      TS Văn cho biết, nước rỉ rác là chất lỏng thấm qua các lớp chất thải rắn mang theo các chất hòa tan hoặc các chất lơ lửng. Thành phần nước rỉ rác có chứa nồng động pH, COD, BOD, acid, kim loại nặng… rất cao. Còn cỏ Vetiver, bộ rễ của cây chứa nhiều vi khuẩn và nấm có khả năng xử lý chất thải gây ô nhiễm cho môi trường. Cụ thể, vi khuẩn cố định đạm có tác dụng chuyển hóa nitơ tự do thành nitơ sinh học; vi khuẩn điều hòa sự sinh trưởng của cây có thể điều hòa được các chất như auxin, gibberrellins, ethylene, acid… là những chất hữu cơ ảnh hưởng đến quá trình sinh lý cây dù ở nồng độ thấp; nấm phân giải photpho; nấm rễ… Nhờ vậy mà cây có thể mọc nhanh trên những vùng đất nghèo dinh dưỡng hoặc đất bị nhiễm độc kim loại nặng trong những điều kiện khắc nghiệt như hạn hán, sương muối, nước mặn, nước hóa chất, độc chất.
       Tương tự, với loại cây dầu mè cũng có thể sinh trưởng và phát triển trong môi trường ô nhiễm. Trên thực tế, loại cây trên đã được trồng thử nghiệm cải tạo môi trường bị nhiễm độc dioxin tại Huế và tại Cần Thơ.
       Gần đây nhất, TS Văn cùng nhóm cộng tác đã trồng thực nghiệm cỏ Vetiver, cỏ voi và cây dầu mè tại bãi chôn lấp rác Đông Thạnh và sử dụng nước rỉ rác của bãi chôn lấp rác này để tưới. Kết quả cho thấy các loại cây này phát triển bình thường. Nguồn nước rỉ rác đậm đặc có nồng độ các chất ô nhiễm cao sau khi được pha loãng với tỷ lệ 10% để tưới vào cây đã được cây hấp thu và xử lý bằng phương pháp phát triển tự nhiên cho ra chất lượng nước thải đạt tiêu chuẩn loại A.
      Hơn nữa, chi phí xử lý chỉ khoảng 8.000 đồng/m³ nước rỉ rác, rẻ hơn gấp chục lần chi phí xử lý hiện tại. Quan trọng đây là những loại cây có giá trị kinh tế cao. Cụ thể, cây Vetiver có thể tận thu để sản xuất giấy; cây dầu mè để sản xuất nhiên liệu sinh học hoặc sản xuất thuốc trị bệnh.
      Đại diện Công ty Môi trường Đô thị TPHCM cũng cho biết, có thể ứng dụng loại cây này để trồng trên các bãi chôn lấp rác đã được phủ đỉnh hoặc các vùng đệm cách ly khu dân cư. Việc trồng các loại cây này, nhất là cỏ Vetiver có thể giúp chống xói mòn cho bãi chôn lấp, đồng thời phòng tránh nguy cơ ô nhiễm do chất lượng nước rỉ rác xử lý chưa đạt yêu cầu.
      Còn theo TS Trần Minh Chí, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, nếu kết hợp được cả hai mô hình là xử lý bằng phương pháp hóa lý, xử lý sơ bộ các chất ô nhiễm đạt mức độ nhất định. Kế đến, chuyển toàn bộ lượng nước thải này sang pha loãng để tưới cho các loại cây trên thì hiệu quả xử lý nước rỉ rác triệt để hơn rất nhiều. Và chắc chắn rằng, nước rỉ rác không còn là mối quan ngại đối với bất kỳ nhà đầu tư cũng như cộng đồng dân cư sống gần khu vực bãi chôn lấp rác.

                                                                                                      ÁI VÂN – THÚY AN